Người ta thường gọi đại dương là "thế giới yên lặng" bởi trong đó chỉ có âm thanh của riêng cư dân nơi đây.
Tuy nhiên sự phát triển của đời sống con người đang làm cho "thế giới yên lặng" này chịu tác động nghiêm trọng.
Ảnh hưởng diện rộng
Năm 2017, một nghiên cứu đăng trên trang Nature cho thấy trong bán kính vài cây số dưới nước cách nơi nổ súng hơi thăm dò dầu khí, toàn bộ sinh vật phù du phải bị "đuổi" đi nơi khác với tốc độ 1 giờ giảm đến 60%.
Sinh vật phù du là cơ sở cho nhiều chuỗi thức ăn dưới đại dương, do đó số lượng chúng suy giảm thường để lại tác động trên diện rộng.
Nổ súng hơi còn làm tổn hại các loài khác, điển hình có thể khiến cá voi, cá heo mất thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Một số nguồn ô nhiễm tiếng ồn đang "hành hạ" các sinh vật biển - Ảnh: Marine Insight
Tuy vậy ô nhiễm tiếng ồn đại dương không dừng lại ở súng hơi.
Một nghiên cứu của ĐH Exeter (Anh) cho thấy âm thanh từ động cơ thuyền máy có thể làm ảnh hưởng các đàn cá sống ở những rạn san hô, nhất là làm thay đổi hành vi của các cặp cá cha mẹ khi chăm sóc và nuôi dưỡng đàn con. Điều này làm cho đàn con không được bảo vệ trước động vật săn mồi.
Ngoài ra, tiếng ồn còn khiến nhiều loài cá phải rời khỏi nơi ở ồn ào làm giảm khả năng tìm thấy "bạn tình". Điển hình, số lượng của các động vật có vú dưới nước đã suy giảm đáng kể trong những khu vực có tàu thuyền hoạt động ồn ào.
Nhóm nghiên cứu kiến nghị đưa việc kiểm soát tiếng ồn do tàu máy gây ra vào những quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Loại nhiễm nghiêm trọng nhất
Một thiết bị ghi nhận âm được thả xuống vịnh Massachusetts để nghiên cứu khoa học - Ảnh: Cornell Lab of Ornithology
Theo trang Marine Insight, ở đại dương, ô nhiễm tiếng ồn là loại nghiêm trọng nhất dù loại ô nhiễm này không "lồ lộ" như rác thải nhựa trôi nổi lềnh bềnh hay ô nhiễm do hiện tượng tảo nở hoa.
Trang The Wired liệt kê những nguồn ô nhiễm tiếng ồn do con người gây ra cho đại dương gồm hoạt động của tàu hàng, ca nô lướt ván, tàu ngầm, hay hành vi gây nổ dưới biển… Ngoài ra có thể kể đến các loại sóng thăm dò địa chất dưới đại dương.
Tiến sĩ Steve Simpson - phó giáo sư về ngành sinh học đại dương và biến đổi toàn cầu tại ĐH Exeter (Anh), cho rằng tác động của ô nhiễm tiếng ồn với đa số loài cá cũng tương tự việc một người dành nhiều thời gian trong vũ trường ban đêm.
Khi đó, ngực bạn sẽ rung lên khi không khí vào phổi rung lên. Những người thường xuyên tiếp xúc với âm tần số thấp có thể gây ra một số loại bệnh hoặc làm rối loạn cơ thể.
Trong một thí nghiệm những năm 1990, âm phát ra từ nguồn đặt trên đảo Heard phía nam Ấn Độ Dương. Kết quả, người ta thu được âm ở nhiều nơi cách xa nguồn âm như miền bắc, miền nam Đại Tây Dương, Thái Bình Dương - Ảnh: Mike Thompson
"Với cá, chúng cũng sẽ căng thẳng và không thể đưa ra những quyết định khôn ngoan. Chúng không thể tìm thức ăn, không cảm nhận được mối nguy hiểm đang tới và có nguy cơ mắc một số bệnh ảnh hưởng đến phát triển", Simpson giải thích.
Thính giác của những động vật sống ở những nơi ồn ào như cảng biển có thể tương tự như người dân sống ở những thành phố lớn.
"Đi không được ở không xong"
Rất nhiều âm thanh "lạ" đang ảnh hưởng cuộc sống của sinh vật biển - Ảnh: NOAA
Trang Marine Insight đưa 2 lý do chính khiến tác động của tiếng ồn lên đời sống sinh vật biển vô cùng dữ dội.
Thứ nhất do âm truyền trong nước rất nhanh và đi được quãng đường dài hơn khi di chuyển trong không khí (âm truyền nhanh gấp 5 lần trong nước so với ngoài không khí).
Thứ hai, do sinh vật biển rất nhạy cảm với tiếng ồn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi nhiều nguồn âm không ảnh hưởng gì mấy đến con người lại có tác động rất lớn đến với đời sống sinh vật dưới đại dương.
Những loài động vật nhạy cảm với ô nhiễm tiếng ồn rất đa dạng. Những loài động vật có vú như cá heo hay cá voi thường phản ứng quyết liệt với tiếng ồn. Trong khi đó những động vật thân mềm, giáp xác dù không thường "phản kháng" nhưng nhạy lại cảm hơn nhiều so với cá heo, cá voi.
Cá voi lưng gù và tàu chở hàng trên vịnh Massachusetts (Mỹ) - Ảnh: Flickr
Trong nghiên cứu của ĐH Exeter, Simpson giải thích sinh vật biển phát triển kĩ năng sử dụng sóng âm trước hết là vì môi trường sống thiếu ánh sáng. Điển hình ở các rạn san hô, phân nửa thời gian trong ngày là bóng tối.
Do đó, cá cần sử dụng những giác quan khác để cảm nhận môi trường, tìm kiếm thức ăn và giúp chúng nghe thấy ai đang đến: bạn hay thù?
Ngoài ra, sự nhạy cảm còn do cấu tạo của các loài sinh vật biển thường thiếu cơ chế bảo vệ khỏi ô nhiễm tiếng ồn.
Phản ứng thường gặp của các loài vật này là chuyển chỗ ở. Nhưng hầu hết trong số đó không thể thích nghi với điều kiện sống mới làm cho số lượng cá thể suy giảm đáng kể. Đó là chưa kể đến mối nguy suy giảm đa dạng sinh thái ở những khu vực bị bỏ đi.
Nhiều nghiên cứu đang được tiếp tục được thực hiện để hiểu rõ hơn về tác động của ô nhiễm tiếng ồn đến sinh vật dưới đại dương, nhằm tìm ra cách bảo vệ sinh vật biển song song hoạt động kinh tế xã hội của con người.