Phục hồi rạn san hô
Rạn san hô được xem là “rừng mưa nhiệt đới của biển”. Thế nhưng, hiện nay rạn san hô vùng biển Khu bảo tồn biển Phú Quốc đang trong tình trạng suy giảm về độ phủ, diện tích phân bố... Vì vậy, việc khôi phục rạn san hô Khu bảo tồn biển Phú Quốc là việc cấp thiết.
Phục hồi rạn san hô là một trong những hoạt động thường niên của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc nhằm mục đích tăng độ phủ hệ sinh thái rạn san hô. Hoạt động phục hồi, tái tạo hệ sinh thái rạn san hô được thực hiện theo phương pháp, công nghệ tiên tiến và phổ biến, hiện đang được áp dụng trong và ngoài nước. Phục hồi rạn san hô đã tạo tái tạo và duy trì môi trường sống từ đó làm phong phú tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trong các phân khu chức năng của Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Năm 2021, phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa – Vườn Quốc gia Phú Quốc đã phối hợp với chuyên gia của Viện Hải sản tiến hành thực hiện hoạt động phục hồi san hô trên nền san hô bị suy thoái tại 02 địa điểm thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Phú Quốc bao gồm: Khu vực Hòn Xưởng, Khu vực Hòn Móng Tay với quy mô diện tích khoảng 500 m2.



Rạn san hô được chăm sóc và phục hồi theo phương pháp và công nghệ tiên tiến
Rác thải nhựa trên biển - Nỗi ám ảnh của đại dương và sinh vật biển
Rác thải nhựa trên biển đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh vật biển và đến chính con người chúng ta. Mỗi cá nhân trong cộng đồng chúng ta nên làm gì để giảm thiểu rác thải nhựa trên biển? Câu hỏi với nhiều câu trả lời và hành động khác nhau. Tuy nhiên, điều thiết thực nhất hiện nay chính là những hành động cụ thể.


Hình ảnh rác thải nhựa trên bờ và dưới biển
Vào những ngày đầu tháng 5 năm 2021, Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc đã triển khai hoạt động giám sát rác thải biển tại các bãi trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc gồm: Bãi biển ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh; Bãi biển hòn Gầm Ghì, phường An Thới; Bãi biển hòn Vông, phường An Thới. Tổng số rác thu được 95,42 kg. Sau khi thu gom toàn bộ rác thải được phân loại, thành phần rác thải nhựa chiếm khoảng 85% khối lượng rác thu về, còn lại là các loại rác hỗn hợp. Nhằm lan tỏa các thông điệp truyền thông, Vườn Quốc gia Phú Quốc có mời một số đơn vị tham gia cùng thực hiện như: Đoàn thanh niên Vườn Quốc Gia Phú Quốc; WWF Việt Nam; các tình nguyện viên câu lạc bộ Phú Quốc Sạch và Xanh; xã Đoàn Hàm Ninh; đài truyền thanh truyền hình Phú Quốc.


Vườn quốc gia Phú Quốc và các đơn vị thu gom và phân loại rác thải nhựa
Chăm sóc vườn ươm san hô Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Năm 2016, Khu bảo tồn biển Phú Quốc thiết lập 02 vườn ươm san hô cứng tại hòn Xưởng và hòn Mây Rút. Sau 5 năm, cả 2 vườn đều phát triển rất tốt, có thể tách chiết đi phục hồi các rạn san hô bị suy thoái. Các loài san hô trong vườn ươm: Acropora formosa (Dana, 1846); A. anthocercis (Brook, 1893); A. acuminata (Verrill, 1864).
Vườn ươm san hô bị tác động bởi nhiều yếu tố như hoạt động khai thác thủy sản, thả neo lên vườn ươm, lặn ngắm san hô bằng bình khí,…trực tiếp làm gãy san hô, ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của vườn ươm. Sự phát triển quá mức của san hô trong vườn ươm dẫn đến gãy gốc làm sập khung san hô; do các thiên địch trong tự nhiên hoặc san hô bị bệnh,…cũng là nguyên nhân làm san hô chết. Ngoài ra, hoạt động phục hồi các rạn san hô bị suy thoái, đã tách chiết một lượng lớn các tập đoàn trong các vườn ươm đi trồng tại các điểm san hô bị suy thoái, nên các vườn ươm bị tổn thương tương đối nhiều. Chính vì vậy, hàng năm các cán bộ Khu bảo tồn biển đều thực hiện công tác vệ sinh, chăm sóc vườn ươm san hô.


Cán bộ Khu bảo tồn biển thực hiện công tác vệ sinh, chăm sóc vườn ươm san hô
Vào ngày 2–4/6/2021: Cán bộ Phòng Bảo Tồn Biển và Đất Ngập Nước Nội Địa phối hợp với Đoàn thanh niên Vườn Quốc gia Phú Quốc, các công ty dịch vụ lặn và Đài Truyền hình Phú Quốc thực hiện công tác chăm sóc vườn ươm hô tại hòn Xưởng và hòn Mây Rút.
Tuần tra kiểm soát vùng biển Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Hoạt động tuần tra kiểm soát trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc với mục đích tăng cường chấp hành các quy định trong quy chế quản lý Khu bảo tồn biển; công tác đăng ký, đăng kiểm và các chứng chỉ liên quan đối với các phương tiện chở khách du lịch hoạt động trên biển, bảo đảm an toàn cho các du khách khi tham quan danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn biển Phú Quốc; Nâng cao nhận thức bảo vệ các loài động vật biển quý hiếm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong Khu BTB Phú Quốc.


Vườn quốc gia Phú Quốc phối hợp với các cơ quan ban ngành tuần tra, xử lý và tuyên truyền bảo vệ Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Các đợit tuần tra kiểm soát Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa luôn phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu cảng An Thới và Đội quản lý bảo vệ rừng An Thới tiến hành tuần tra kiểm soát trong khu bảo tồn biển Phú Quốc, kiểm tra các phương tiện hoạt động trên biển, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên biển, các bè nuôi trồng thủy sản và một số đảo tại khu vực Nam đảo,... trong quá trình kiểm tra, đoàn đã lồng ghép tuyên truyền các quy định liên quan đến Khu bảo tồn biển, bảo vệ các loài động vật biển quý hiếm, đồng thời cũng nhắc nhở các tàu chở khách du lịch, tàu khai thác thủy sản và các bè nuôi trồng thủy sản chấp hành và thực hiện nghiêm các chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.