Cổng thông tin điện tử Kiên Giang

Tin tức chung

Xem với cỡ chữAA

Mô hình nào để Vân Đồn thành đặc khu kinh tế?

(07:27 | 02/03/2018)

Trong những ngày này, trí thức Việt Nam khắp năm châu đang chăm chú theo dõi kỳ họp quốc hội thứ tư nơi diễn ra những thảo luận sôi nổi về dự thảo nghị quyết thành lập các đặc khu hành chính kinh tế, trong đó có Vân Đồn.

TS. Nguyễn Thu Trà, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Quản trị, trường Cnam, Pháp - Giám đốc dự án Lãnh đạo học, Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cho rằng với quyết tâm và tinh thần xông pha của con người Quảng Ninh, từ định hướng và sự mở cửa của nhà nước, và từ nhiệt huyết muốn đóng góp và muốn xây dựng bền vững của tri thức và nhà đầu tư trong và ngoài nước, Vân Đồn sẽ trở thành động lực kinh tế của Việt Nam.

Hội tụ các yếu tố phát triển công nghiệp du lịch

Vân Đồn được biết đến như một huyện đảo hội tụ nhiều tài nguyên thiên nhiên độc đáo, có vịnh Bái Tử Long được ôm trọn bởi hàng trăm đảo đá nhỏ; có hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái biển phong phú, đa dạng, có nhiều động vật quý hiếm trong sách đỏ; có khu rừng trâm nguyên sinh.

Vân Đồn hội tụ đầy đủ mọi lợi thế về thiên nhiên, văn hoá, vị trí địa lý để phát triển ngành công nghiệp du lịch. Tuy nhiên, nghiên cứu về các khu vực kinh tế cạnh tranh trong bán kính 5g bay từ Vân Đồn cho thấy nếu chỉ phát triển du lịch, kể cả du lịch sinh thái thì sẽ không có điểm nổi trội cạnh tranh với các đặc khu đã hình thành và phát triển rất tốt như Jeju, Hải Nam, Mandalika….

Cũng không thể cạnh tranh với các đặc khu đã xây dựng tên tuổi từ việc phát triển về dịch vụ, công nghệ cao như Singapore, Chu Hải, Thâm Quyến, Incheon... Vân Đồn cần kết hợp ba mũi nhọn du lịch, văn hóa sáng tạo và công nghệ để có thể dành được lợi thế cạnh tranh và phát triển kinh tế tri thức.

Với mục tiêu bền vững và gìn giữ cho tương lai, nhóm chuyên gia chúng tôi tin rằng Vân Đồn cần được phát triển thành một nền kinh tế xanh, tri thức, bền vững, có độ liên kết tuần hoàn trong một xâu chuỗi các giá trị thiên nhiên, con người, văn hóa và công nghệ, thành một hệ sinh thái kinh tế. 

Các ngành nghề được lựa chọn ưu tiên phát triển không chỉ mang lại lợi ích và tăng trưởng kinh tế mà còn cần đảm bảo thân thiện với môi trường, có quy hoạch đồng bộ, phân cực, có yếu tố xã hội hòa quyện, có đóng góp cụ thể của đặc khu vào kinh tế, xã hội Việt Nam và kết nối với kinh tế các vùng, miền khác.

Du lịch sinh thái cao cấp

Mô hình nào để Vân Đồn thành đặc khu kinh tế? - Ảnh 2.

Thật hiếm có bãi biển nào còn giữ được vẻ đẹp tự nhiên như vậy

Phát triển Vân Đồn thành khu du lịch xanh và cao cấp là mục tiêu kinh tế mũi nhọn của đặc khu này. Khung cảnh thiên nhiên của Vân Đồn không những độc đáo, đa dạng mà còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ đặc biệt thu hút khách du lịch. 

Trải nghiệm cá nhân độc đáo hay du lịch cao cấp kết hợp dịch vụ sức khỏe đang và sẽ là xu hướng của đối tượng du khách có thu nhập cao. 

Về lâu dài các hoạt động du lịch hội thảo, hội chợ triển lãm có giá trị lớn về mặt hình ảnh, cho phép truyền tải hình ảnh về một đô thị hiện đại, mang tầm quốc tế; hay du lịch dịch vụ giải trí cao cấp, các liên hoan phim, ca nhạc, triển lãm nghệ thuật quốc tế cho phép quảng bá văn hóa, làm sống dậy và phát triển văn hóa địa phương, vùng và quốc gia. 

Việc xây dựng các dịch vụ du lịch sức khỏe, du lịch hội thảo sẽ thực sự bền vững nếu đi theo hướng xây dựng mô phỏng thiên nhiên (biomimicry) để gìn giữ và phát huy những giá trị tự nhiên ban tặng.

Công nghiệp văn hoá sáng tạo

Việc phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Vân Đồn nằm trong bối cảnh chính sách văn hóa quốc gia và quốc tế đang vận động và thay đổi theo chiều hướng hiện đại, gìn giữ và phát triển di sản. 

Kết nối với các hoạt động du lịch bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và các ngành nghề công nghệ cao sẽ giúp công nghiệp văn hóa sáng tạo phát triển theo hướng tương tác các ngành nghề thuộc hai lĩnh vực này. 

Bên cạnh đó, các mối quan hệ với văn hoá vùng, văn hoá biển, các giá trị truyền thống, du lịch, thể thao, ẩm thực, âm nhạc… chú trọng đến phát triển và giáo dục văn hoá cho thế hệ trẻ, sẽ làm tiền đề cho cải cách giáo dục, cải cách chính sách phát triển để thế hệ tương lai không mất đi giá trị truyền thống.

Hơn nữa, trong định hướng phát triển tới năm 2030, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ được xây dựng thành mũi nhọn kinh tế thứ hai của Vân Đồn. 

Việc phát triển công nghệ văn hóa sáng tạo ngay từ những ngày đầu thành lập đặc khu là một bước đi chiến lược nhằm đón đầu tiềm năng của văn hóa sáng tạo trong các ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số sau này.

T.S. Nguyễn Thu Trà

Việc phát triển công nghệ văn hóa sáng tạo ngay từ những ngày đầu thành lập đặc khu là một bước đi chiến lược nhằm đón đầu tiềm năng của văn hóa sáng tạo trong các ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số sau này. 

Xây dựng một môi trường văn hóa sáng tạo vững mạnh sẽ là tiền đề để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy được tối đa năng lực và khả năng liên kết với nhau thông qua các cộng đồng sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển dân cư tri thức của Vân Đồn trong tương lai.

 Sau cùng, chính môi trường văn hóa sáng tạo đó sẽ là thương hiệu vô giá thu hút lao động trình độ cao, khách du lịch và nhà đầu tư .

Nền kinh tế công nghệ cao hiện đại và bền vững

Mô hình năng lượng sạch, có nhiều tiềm năng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời cần được thử nghiệm tại Vân Đồn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. 

 Việc tạo năng lượng sạch và công nghệ xanh, xây dựng và quảng bá một thành phố hiện đại, đáng sống, hình ảnh «xanh» của năng lượng tái tạo sẽ giúp thay đổi hình ảnh «bụi, đen» của Quảng Ninh. 

Từ đó, các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, tự động hóa hay trí tuệ nhân tạo sẽ giúp tăng cường hình ảnh sạch, hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp. Vân Đồn sẽ là một Đặc khu mà công nghệ thông tin có vai trò lớn trong quản lý, hỗ trợ, điều tiết, tăng năng suất…

Bộ máy hành chính Vân Đồn sẽ là khách hàng đầu tiên sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin do các công ty khởi nghiệp nơi đây cung cấp, từ đó thúc đẩy nhân rộng ra nhiều nơi khác.