Vườn quốc gia Phú Quốc được thành lập theo Quyết định số 91/2001/QĐ-TTg ngày 08/06/2001 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc đảo Phú Quốc và Quyết định số 48/2002/QĐ-UBND ngày 08/7/2002 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc thành lập Vườn quốc gia Phú Quốc. Quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích 31.422 ha, trên địa bàn 06 xã gồm: Cửa Dương, Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh và một phần xã Dương Tơ. Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch hệ thống RĐD quốc gia thì VQG Phú Quốc là một trong 34 VQG thuộc hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam.
Theo quy hoạch tại Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030 và theo Quyết định 868/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì diện tích Vườn quốc gia Phú Quốc được quy hoạch là 29.596 ha, được quy hoạch làm 03 phân khu chức năng:
- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 8.129,8 ha,
- Phân khu phục hồi sinh thái: 20.897,8 ha,
- Phân khu hành chính - dịch vụ: 568,4 ha.
Thực hiện Quyết định số 2752/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc sát nhập Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc và Ban quản lý Rừng phòng hộ Phú Quốc vào Vườn Quốc gia Phú Quốc. Tổng diện tích giao cho Vườn quốc gia quản lý trên địa bàn thành phố Phú Quốc là 77.171,47 ha. Trong đó:
+ Hợp phần rừng đặc dụng (Vườn quốc gia): 29.596,00 ha.
+ Hợp phần rừng phòng hộ: 6.666,00 ha.
+ Hợp phần bảo tồn biển: 40.909,47 ha.
Vườn Quốc gia Phú Quốc có 3 hệ sinh thái rừng, nhiều sinh cảnh rừng đẹp và có đa dạng về động, thực vật rừng. Theo số liệu điều tra của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (năm 2003) ghi nhận được 1.164 loài thực vật và 270 loài động vật, từ năm 2006 - 2014, các nhà khoa học đã điều tra, bổ sung thêm vào danh lục thực vật 233 loài, động vật 220. Hiện, Vườn Quốc gia Phú Quốc được tổ chức UNESCO công nhận danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang vào năm 2006.
Nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục môi trường cũng như quảng bá du lịch sinh thái. Vườn Quốc gia Phú Quốc hân hạnh giới thiệu sơ lược về tài nguyên của Vườn Quốc gia Phú Quốc đến bạn đọc được biết:
1. Hệ sinh thái và sinh cảnh rừng
Thực vật đảo Phú Quốc nói chung và Vườn quốc gia Phú Quốc nói riêng được phân bố ở 3 hệ sinh thái rừng có điều kiện địa hình, thổ nhưỡng khác nhau: Hệ sinh thái rừng rậm cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới; Hệ sinh thái rừng úng phèn; và Hệ sinh thái rừng ngập mặn với 9 sinh cảnh rừng đặc trưng như:
• Sinh cảnh rừng nguyên sinh cây họ Dầu.
• Sinh cảnh rừng thưa cây họ Dầu.
• Sinh cảnh rừng khô hạn
• Sinh cảnh rừng thứ sinh ven biển.
• Sinh cảnh rừng trên núi đá.
• Sinh cảnh rừng Tràm
• Sinh cảnh rừng ngập mặn
• Sinh cảnh rừng Truông Nhum.
• Sinh cảnh trảng tranh và sim mua.
2. Thực vật
Theo số liệu điều tra năm 2003, trong 1.164 loài thực vật được các nhà khoa học điều tra, ghi nhận (Năm 2003) và điều tra, phát hiện ghi nhận thêm 233 loài (Năm 2006-2014) có 137 loài thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định Số 06/2019/NĐ-CP, 2 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được ban hành kèm theo Nghị định Số 160/2013/NĐ-CP, 26 loài thực vật được ghi trong sách đỏ Việt Nam và 12 loài đặc hữu mang địa danh Phú Quốc:
(1) Cù đèn Phú Quốc (Croton phuquocensis Croiz..); (2) Diệp hạ châu Phú Quốc (Phyllanthus phuquocianus Beille..); (3) Tam thụ hùng Phú Quốc (Trigonostemon quocensis Gagn..); (4) Chóp máu Phú Quốc (Salacia phuquocensis Tard..); (5) Gội Phú Quốc (Gội ổi) (Aglaia quocensis Pierre..); (6) Táu Phú Quốc (Ximenia americana Willd..); (7) Doi Phú Quốc (Archidendron quocense (Pierre) l. Niels..); (8) An điền Phú Quốc (Hedyotis quocensis Pierre ex Pit..); (9) Trèn Phú Quốc (Tarenna quocense Pierre ex Pit..); (10) Xuân tôn Phú Quốc (Xantonnea quocensis Pierre ex Pit..); (11) Lốp bốp Phú Quốc (Connarus semidecandrus Jack (C. quocensis Pierre);(12) Huỳnh đàn Phú Quốc (Dysoxylum cyrtophyllum Miq var. quocensis Pierre).
3. Động vật
Theo kết quả điều tra của Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật và các nhà khoa học, 270 loài động vật được ghi nhận (Năm 2003) và ghi nhận thêm 220 loài (Năm 2006-2014) có 41 loài động vật thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nghị định Số 06/2019/NĐ-CP, 6 loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được ban hành kèm theo Nghị định Số 160/2013/NĐ-CP, 42 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam, một loài động vật đặc hữu là cá Chình suối (Clarias gracilentus) và 13 loài mới được ghi nhận cho Việt Nam tại Vườn Quốc gia Phú Quốc như: Bướm Kim tuyến (Catapaecilma evansi pendlebury), Cá chạch suối đuôi gai (Barbucca cf. diabolica), Cá heo gai mắt myers (Pangio myersi), Cá heo râu đuôi chẻ (Lepidocephalichthys furcatus), Cá lăng suối nâu (Amblyceps cf. foratum), Cá lòng tong chỉ vàng (Rasbora pauciperforata), Cá lòng tong tam giác (Trigonostigma espei), Cá lia thia ấp miệng (Betta prima), Cá rô dẹp đuôi hoa (Belontia hasselti), Cá sặc vện đục (Nandus cf. nebulosus), Cá sọc dưa tím (Danio pulcher), Cá trèn lá đầu to (Kryptopterus macrocephalus), Cá trèn schneider (Silurichthys schneideri).
4. Một số hình ảnh về các hệ sinh thái rừng và động, thực vật Vườn Quốc gia Phú Quốc:
4.1. Các hệ sinh thái rừng
Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh cây họ Dầu (Dipterocarpaceae)
Hệ sinh thái rừng tràm (Melaleuca)
Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (Cóc đỏ, Đước, Vẹt, Dà, Mắm…)
4.2. Một số loài bò sát
Kỳ đà vân - Varanus nebulosus
Kỳ tôm - Physignathus coccincinus
Nhông cát Rivơ - Leiolepis reevesii
ô ro capa (Acanthosaura capra)
Rắn roi thường - Ahaetulla prasina
Trăn đất - Python molurus
Rùa đất pulkin - Cyclemys pulchristriata
4.3. Một số loài thú
Voọc bạc Đông Dương -Trachypithecus germaini
Sóc đen - Ratufa bicolor
Khỉ đuôi dài - Macaca fascicularis
Heo rừng - Sus scrofa
Dơi ngựa lớn - Pterotopus vampyrus
Dơi ma nam - megaderma spasma
Culi lớn - Nycticebus bengalensis
4.4. Một số loài chim
Trảu họng vàng - Merops leschenaulti
Tìm vịt xanh - Chrysococcyx maculatus
Te te (Te vặt) - Vanellus indicus
Hút mật họng hồng - Nectarinia sperata
Hồng hoàng - Buceros bicornis
Cu luồng - Chalcophaps indica
Cao Cát Bụng Trắng_Anthracoceros albirostris
4.4. Một số loài lan
Lan vân hài - Paphiopedilum callosum
Thanh đạm tuyết hạ - Coelogyne cumingii
Thạch hộc ria môi rậm - Flickengeria comate
Nilan lông - Eria lasiopetala
Nỉ lan rêu - Eria musicola
Lan căn diệp tù -Taeniophyllum obtusum
Ái lan lá rộng - Malaxis ophrydis